Phần VI
Kết luận
Lướt qua lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử tới nay, ta thấy nền nghệ thuật tạo hình nước nhà nằm trong một nền văn hóa bản địa, có truyền thống, xuyên suốt theo dòng lịch sửtrong một dòng chảy thống nhất.
Điệu múa cổ ( Nguyễn Tư Nghiêm ) |
Có thịnh, lúc suy, nhưng không khi nào nghệ thuật Việt Nam mất đi bản sắc dân tộc của mình, kể cả trong những giai đoạn thử thách lớn lao nhất, thậm chí với âm mưu đồng hóa của nước ngoài. Cùng với bản sắc dân tộc đó, người Việt tồn tại, trở thành một giống nòi không thể khuất phục. Trong khi đó trên thế giới, không ít những dân tộc bị đồng hóa, bị mất đi vĩnh viễn với những trở ngại nhỏ hơn nhiều lần so với những trở ngại mà dân tộc ta phải đối mặt. Có thể thấy bản sắc dân tộc là cội nguồn cho sự tồn tại của một quốc gia, một giống nòi. Những giai đoạn như văn hóa Đông Sơn, thời đại Lý Trần Hồ, hậu Lê là những lúc nền nghệ thuật phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc nhất. Sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ đó cũng tương hợp với những giai đoạn của nền độc lập được khẳng định lâu dài, tinh thần tự tôn dân tộc lên cao, nền kinh tế phát triển. Và nghệ thuật, đến luợt nó góp phần vào sự tồn tại và phát triển chung của dân tộc. Những lúc bị nô dịch, những vương triều tự ty với truyền thống, văn hóa Việt Nam dù không mất đi, vẫn âm ỷ trong lòng người Việt Nam yêu nước, thì vẫn không thể nào phát triển được.
Hiện nay, toàn cầu hóa trên thế giới là một tất yếu lịch sử. Nó làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, góp tiếng nói chung, thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Nhưng nó cũng chứa đựng nguy cơ thôn tính lẫn nhau, mạnh được yếu thua. Những nền văn hóa không có bản lĩnh có nguy cơ bị hòa tan vào dòng xoáy đó. Việc gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết và cấp bách. Tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc, học hỏi ông cha, tìm ra nét tinh tuý, gạn lọc những điều lỗi thời là việc làm của nghệ sỹ, những đại diện cho một nền văn hóa.
HẾT
Theo tài liệu Lịch sử Mỹ thuật việt Nam
Đăng bởi : mythuat247.blogspot.com