Tự họa ( paul Gauguin ) |
Đối với hội họa, ban đầu Paul Gauguin đến với bộ môn nghệ thuật này như một người “ngoại đạo”. Năm 1870, Paul Gauguin bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên. Ông vẽ sau những giờ làm việc căng thẳng ở nhà băng. Năm 1874, Gauguin đi xem cuộc triển lãm đầu tiên của Trường phái Ấn tượng và thực hiện việc sưu tập tranh của các họa sĩ thuộc trường phái này. Cùng thời gian trên, Gauguin đăng ký học vẽ tại Viện Hàn lâm Colarossi và tham gia những cuộc triển lãm với nhóm Ấn Tượng. Năm 1883 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời, sự nghiệp của Paul Gauguin. Đó là việc ông quyết định từ bỏ công việc kinh doanh để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó Gauguin đã phải “nếm mùi” cay đắng. Toàn bộ những bức tranh của Gauguin không bán được bức nào. Trong khó khăn, Gauguin buộc lòng phải bán những tác phẩm của các họa sĩ Ấn Tượng mà ông từng bao năm sưu tập. Năm 1886, sau cuộc triển lãm cuối cùng của các họa sĩ Trường phái Ấn Tượng, Paul Gauguin đến sống và vẽ như “một người hoang dã” ở Bretagne - Pont-Aven. Tại đây, ông đã vẽ những bức tranh với những “ý tưởng lạ lùng”. Ông trăn trở: “Tôi cảm thấy mình đúng trong nghệ thuật, song liệu tôi có đủ sức thể hiện điều đó bằng một phương cách dứt khoát hay không”. Đây cũng là thời điểm mà Gauguin hoàn toàn đoạn tuyệt với Trường phái Ân Tượng.
Phong cảnh Tahitian của Paul Gauguin |
Khác hẳn với phái Ấn Tượng, tranh của Gauguin giai đoạn này thường sử dụng những mảng màu phẳng, nguyên tươi, rực rỡ đầy chất tượng trưng và biểu cảm. Điển hình trong số này là bức tranh “Ảo ảnh sau bài thuyết giảng”. Năm 1888, cùng với họa sĩ Bernard, Paul Gauguin đã sáng lập ra một truờng phái hội họa mới mang tên Tượng Trưng (Symbolism). Nếu như các họa sĩ tiền Ấn Tượng thường lệ thuộc vào tự nhiên, còn các họa sĩ hậu Ấn Tượng thường quá chú trọng đến yếu tố khoa học thì Gauguin lại quan tâm đến phương pháp Tổng hợp và Tượng Trưng. Ông thường sử dụng đường nét, màu sắc có vẻ trái tự nhiên để đạt được hiệu quả cảm xúc mãnh liệt. Theo Gauguin hình thể trong tranh ông được tạo từ những mẫu hình về màu sắc, đường nét hài hòa, nhịp nhàng. Nghĩa là, cho dù đường nét trong tranh của ông bị “bẻ cong”, màu sắc không giống tự nhiên, nhưng lại có ý nghĩa gợi lên hình ảnh hay ý tưởng chứ không phải chỉ để ghi nhận kinh nghiệm thị giác. Đáng lưu ý, Paul Gauguin là một trong những danh họa đầu tiên quan tâm nghiên cứu, học hỏi, vận dụng lối vẽ của nghệ thuật nguyên thủy, các bộ tộc cổ xưa và tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản.
Bên cạnh tranh sơn dầu, Gauguin còn thử nghiệm cả tranh khắc mộc bản. Ông chính là danh họa đầu tiên làm sống lại loại hình nghệ thuật mộc bản, từng thịnh hành từ thế kỷ thứ XVI Ở những loại tranh này Gauguin thường sử dụng những mảng đen - trắng, những đường công-tua (đường viền) đậm nét, tạo cho bức tranh có nhịp điệu, tiết tấu mang dáng dấp của nghệ thuật trừu tượng. Điều đáng nói là trong những bức tranh mộc bản của mình, Gauguin đã rất thành công trong việc tạo nên những ma-che là những đường vân của gỗ. Ngoài ra, Gauguin còn thử nghiệm và thực hiện thành công một số loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, gốm… Lối vẽ và quan niệm nghệ thuật của Paul Gauguin bắt đầu được giới mỹ thuật và các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật chú ý. Liên tiếp các năm từ 1188 đến 1891, tranh của Gauguin liên tiếp được triển lãm ở nhiều nơi như Le Pouldu, Brussels, Polt-Avent. Và điều đáng nói là ông đã bán được khá nhiều tranh. Chẳng hạn, chỉ riêng trong khoảng 6 tháng đầu năm 1891, Gauguin đã bán được 30 tranh với số tiền 9860 Frăng.
Năm 1891 cũng là một dấu ấn quan trọng đối với cuộc đời, sự nghiệp của danh họa Paul Gauguin. Chán chường với cuộc sống “phồn hoa đô hội” của Paris, Gauguin quyết định sang sống ở đảo quần đảo Tahiti. Trong tác phẩm tự truyện mang tên “Noa Noa”, Gauguin viết: “Tôi đã thoát ra khỏi những thứ giả tạo và tập tục. Ở đây tôi đã đi vào chân lý, tôi với thiên nhiên là một. Sau cơn bệnh văn minh, cuộc sống ở thế giới mới này là sự phục hồi sức khỏe”. Tại Tahiti, Gauguin sống một cuộc đời hoang dã cùng với những người thổ dân trên đảo. Ông đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, chính trong thời gian sống ở Tahiti, Paul Gauguin đã vẽ những bức tranh đẹp nhất. Năm 1893, do phải sống kham khổ, thiếu thốn Gauguin bị đau rất nặng. Trong hoàn cảnh đó, ông buộc phải trở về Paris để chữa trị. May mắn cho Gauguin là khi về Pháp, ông bất ngờ được hưởng một số tài sản thừa kế khá lớn của người cậu ruột vừa qua đời. Năm 1895, Gauguin lập tức quay trở lại Tahiti. Cuối năm 1897, ông thực hiện tác phẩm có tên “Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?”. Đây là một kiệt tác của danh họa Paul Gauguin. Bức tranh được ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu với kích thước rất lớn (139 x 375). Tác phẩm là sự phúng dụ có tính chất triết lý về sự sống, cuộc đời. Qua bức tranh, Gauguin muốn nói về thiên - địa, mây -nước - núi non; về con người - muông thú - cây cỏ; thần linh - ma quỷ; về sự hòa quyện giữa con người, thiên nhiên, cây cỏ, cõi tâm linh trong tổng thể vũ trụ và quy luật sinh - lão - bệnh - tử của đời người.
Đặc biệt, quần đảo Tahiti còn là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Paul Gauguin với nhà cách mạng của Việt Nam là Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929). Sau khi bị thực dân Pháp lưu đày sang Macquises một thời gian, Kỳ Đồng đã xin chuyển sang quần đảo Tahiti và đã gặp nhà danh họa Paul Gauguin. Trong Thư viện Trung tâm của TP. Berkely, gần San - Francisco (Mỹ) hiện vẫn còn lưu lại tư liệu về cuộc gặp giữa Paul Gauguin và Kỳ Đồng. Đó là tác phẩm “Gauguin ở vùng biển phía Nam” (Gauguin in the south seas) của tác giả Danielson Londre. Qua tư liệu này, tác giả cho biết danh họa Paul Gauguin và nhà cách mạng Kỳ Đồng đã kết bạn với nhau rất tâm đầu ý hợp. Đồng thời, cũng như Kỳ Đồng, tại Tahiti, Gauguin đã tham gia vào những cuộc đấu tranh bảo vệ những người thổ dân trên đảo. Ông đã bị kết án 3 tháng tù và phạt 3000 quan. Vào những năm cuối đời, Gauguin bị bệnh thần kinh khá nặng. Nhà danh họa thường hay đau buồn và mất ngủ, nhiều khi phải tiêm mooc-phin. Trong giai đoạn Paul Gauguin bị suy sụp tinh thần nặng, một trong số ít những người được phép vào xưởng vẽ của ông là Kỳ Đồng. Có một chi tiết khá thú vị là nhà cách mạng Kỳ Đồng đã từng trở thành… họa sĩ, vẽ chân dung của Gauguin. Bức chân dung do Kỳ Đồng vẽ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Basle.
Tháng 9-1901, từ Tahiti, Paul Gauguin chuyển sang sống ở đảo Dominique, thuộc quần đảo Marquises. Mặc dù phải sống trong cảnh nghèo túng, nhưng ông vẫn vẽ liên tục, trên những chất liệu thô sơ. Ngày 8-5-1903, khi chưa kịp về Tahiti để kháng án thì Paul Gauguin đã trút hơi thở cuối cùng tại Dominique. Sau khi Gauguin qua đời khoảng hơn 3 năm (1906), tại Paris đã diễn ra cuộc triển lãm mang tên Mùa thu, trưng bày 227 tác phẩm của ông.
100 năm đã trôi qua kể từ ngày danh họa Paul Gauguin qua đời, song tên tuổi, sự nghiệp của ông đã in đậm trong trái tim của hàng triệu người yêu nghệ thuật. Không chỉ sáng lập ra Trường phái Tượng Trưng, danh họa Paul Gauguin còn được lịch sử mỹ thuật thế giới ghi nhận là người tiên phong mở đường và đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nhiều trào lưu hội họa hiện đại.
.Viết Hiền
theo baobinhdinh.com.vn
Đăng bởi : mythuat247.blogspot.com